QUẺ XĂM QUAN ÂM SỐ 57 - XĂM TRUNG

1. Lá xăm

Quẻ xăm background

Cung Sưu

說是說非過耳風
好衣好祿自然隆
莫將記取當年事
汝意還如我意同

Thuyết thị thuyết phi quá nhĩ phong
Hảo y hảo lộc tự nhiên long
Mạc tương ký thủ đương niên sự
Nhữ ý hoàn như ngã ý đồng

Lời phàm như gió thoảng qua tai
Đừng có giữ chi chuyện quấy này
Anh tôi nay ý đồng tương hợp
Phước lộc an vui đã đến ngày

Con Nít Thấy Mẹ. Phàm việc gì hễ gặp quí nhơn thì tốt lắm.

2. Giải xăm

Phàm mưu vọng gì,
Đều vui mừng lắm.
Làm theo công bình,
Như con gặp mẹ.

Nghĩa là: Có mưu vọng gì, Đều đại hoan hỷ. Việc làm công minh, Như con gặp mẹ

Giải quẻ: Gia đạo bất an, Tự thân bình, Cầu tài thuận, Giao dịch thành, Hôn nhân hợp, Người đi trở,
Điền vụ tựu, Tìm người khó, Kiện tụng hòa, Di dời giữ như cũ, Vật mất tìm về không có,
Bệnh cầu phước thì khỏi, Phong thủy cát.

Tích cổ: Đổng Trọng Tầm Thân:

Đổng Trọng là con trai của Đổng Vĩnh đời Hán, tương truyền là do nàng tiên thứ bảy trên trời xuống trần kết duyên cùng Đổng Vĩnh sinh ra. Vì Đổng Trọng thấy mình không có mẹ, nên vào ngày mùng 7 tháng 7, lên núi Thái Bạch đi tìm mẹ. Tiên nữ đã xuất hiện giúp đỡ, để cho Đổng Trọng được gặp mẹ.

Trong văn hiến Đôn Hoàng, có một tư liệu không còn nguyên vẹn, có tên là "Đổng Vĩnh biến văn". Câu chuyện "Đổng Vĩnh tìm mẹ" được nhắc đến trong tư liệu này lại có chỗ khác biệt. Con trai của Đổng Vĩnh đến năm bảy tuổi, bị người khác xỉ nhục, nên muốn đi tìm mẹ. Có một đạo sĩ tên là Tôn Tân nói cho cậu biết rằng: "Hãy đến tắm bên hồ A Nậu, trước tiên hãy nấp dưới gốc cây. Sẽ thấy ba người con gái cùng nhau đi đến bên mép nước, họ cởi bỏ áo tiên xuống nước tắm. Hãy lấy trộm chiếc áo màu tía. Người con gái mặc chiếc áo tía đó chính là mẹ của Đổng Trọng, lúc đó sẽ được gặp con trai."

Tiểu thuyết "Thanh Bình sơn đường thoại bản" ghi chép về những thoại bản dưới thời Tống Nguyên do người đời Minh biên soạn, trong đó đã sao chép toàn văn bộ tiểu thuyết thoại bản "Đổng Vĩnh ngộ tiên truyện" (Truyện Đổng Vĩnh gặp tiên). Truyện kể rằng con trai của Đổng Vĩnh là Đổng Trọng Thư muốn tìm mẹ, đạo sĩ Nghiêm Quân Bình đã chỉ dẫn rằng: "Lòng hiếu thuận đó thật là hiếm có. Ta nói cho ngươi biết, đến ngày mùng bảy tháng bảy, mẹ của ngươi sẽ cùng với các tiên nữ xuống trần tìm thuốc ở núi Thái Bạch, vị tiên nữ thứ bảy mặc áo tía chính là mẹ của ngươi!"

Người con do Đổng Vĩnh và tiên nữ sinh ra có tên gọi khác nhau trong các thư tịch. Trong "Đổng Vĩnh biến văn", có tên là Đổng Trọng; trong "Đổng Vĩnh ngộ tiên ký" đổi thành Đổng Trọng Thư (với chữ "thư" là thư thái); trong "Đổng Vĩnh bảo quyển" đời Minh có tên là Đổng Chấn Thanh. Trong bộ sách phê bình "Đại hiếu ký" có tên là Trọng Thư (với chữ "thư" là sách vở), còn người em trai thì gọi là Trọng Di; còn trong tác phẩm khúc nghệ "Hòe âm ký" lại có tên là Thiên Bảo.

Trọng Thư với chữ "thư" là sách vở thực chất cũng chính là Trọng Thư với chữ "thư" là thư thái. Nhân vật Đổng Trọng Thư trong sử thực là một nhà Nho lớn đời Hán, đóng vai trò rất lớn trong việc "bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật" của Hán Vũ Đế, cũng là người tích cực chủ trương và thúc đẩy việc "dùng đức hiếu đế trị thiên hạ" ở đời Hán. Hán Vũ Đế đánh giá cao kiến nghị "bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho học", rất mau chóng tiếp nhận ý kiến này, lại bổ nhiệm ông làm Tướng quốc cho Dịch vương ở Giang Đô. Sau này do ca ngợi những biến cố tai dị (sự trừng phạt của thiên nhiên đối với con người), khuyên giải Vũ Đế vì đã giết hại đại thần thân cận, làm cho Vũ Đế phẫn nộ, ông bị cách chức và bị nhốt vào ngục. Sau khi được thả ra, ông giữ chức Tướng quốc của Giao Tây vương.