QUẺ XĂM QUAN ÂM SỐ 8 - XĂM THƯỢNG
1. Lá xăm
Cung Sửu
荗林松栢正興旺
雨雪莫為總風霜
異日忽然成大用
功成名就材楝樑
Mậu lâm tòng bá chánh hưng vương
Vũ tuyết mạc vi tổng phong sương
Dị nhật hốt nhiên thành đại dụng
Công thành danh tựu tài đống lương
Rừng sâu tùng bách mọc xanh rì
Mưa bão tuyết sương có xá chi
Mai kia cao lớn cây ngay thẳng
Rường cột thành danh đã đến kỳ
Cây Tùng Cây Bá Tươi Tốt. Phàm việc gì đều thuận lợi hết thảy.
2. Giải xăm
Trên đường hanh thông,
Trọn đời có công.
Ruộng, lắm phì tốt,
Đạo nhà hưng long.
Nghĩa là: Trên lộ hanh thông, Suốt đời ra công, Bội thu thành quả, Gia đạo hưng long
Giải quẻ: Gia đạo tốt, Tự thân thuận lợi, Cầu tài trung bình, Giao dịch vượng, Hôn nhân thành,
Điền vụ lợi, Lục súc tổn, Người đi có tin, Tìm người có, Kiện tụng hữu lý,
Di dời cát, Vật mất tìm có, Bệnh an khương, Phong thủy cát
Tích cổ: Bùi Độ Hoàn Đới:
Điển cố "Bùi Độ trả đai" bắt nguồn từ vở tạp kịch "Bùi Độ hoàn đới" của Quan Hán Khanh đời Nguyên, vở kịch này viết về câu chuyện Bùi Độ đời Đường nhặt được của rơi mà không lấy, cứu mạng người khác, cuối cùng thi đỗ Trạng nguyên.
Bùi Độ (765 – 839) khi chưa làm quan, do cha mẹ đều mất, gia cảnh bần hàn, lại không muốn theo chồng của dì là Vương Viên ra ngoài buôn bán, chỉ có cách nương náu trong miếu sơn thần, may có vị trưởng lão trong miếu cho ăn cơm chay mà sống qua ngày. Từng có một đạo sĩ xem tướng cho Bùi Độ, đoán rằng mệnh của Bùi Độ sẽ bị chết bất ngờ. Lúc này, có quan Thái thú họ Hàn do làm quan thanh liêm, nên bị quốc cữu (bố vợ của vua) là Phó Bân vu oan, giam vào ngục, Hàn phu nhân và con gái là Quỳnh Anh khổ cực xoay sở tiền bạc để cứu Hàn Thái thú, may được Thái phỏng sứ của triều dinh là Lý Bang Ngạn tặng cho đai ngọc giúp đỡ.
Khi Quỳnh Anh đi qua miếu sơn thần, không may làm rơi mất đai ngọc, Bùi Độ vô tình nhặt được. Mẹ con họ Hàn đang hết sức tuyệt vọng, thì Bùi Độ đem đai ngọc trả lại, nhờ đó ba người trong nhà Hàn Thái thú đều được cứu. Đúng lúc Bùi Độ tiễn mẹ con họ Hàn ra cổng, thì miếu sơn thần sụp đổ, Bùi Độ thoát được cái chết bất ngờ chỉ trong gang tấc. Sau đó Bùi Độ lên kinh ứng thí, thi đỗ Trạng nguyên, lại cùng Hàn Quỳnh Anh kết duyên vợ chồng.
Câu chuyện "Bùi Độ trả đai", nếu nói theo cách hiện đại, đã phản ánh được tinh thần "nhặt được của rơi trả người đánh mất"; theo cách nói ngày xưa, là đã tích được âm đức. Vào lúc Bùi Độ lâm chung, còn có một sự tích "trả đai" khác.
Khi Tiết độ sứ Hoài Tây là Ngô Nguyên Tề làm loạn, triều đình phái quân đội đi đánh dẹp, qua nhiều năm vẫn chưa dẹp yên. Các đại thần cảm thấy chi phí cho quân đội tiêu hao quá lớn, kiến nghị bãi binh. Hoàng đế Hiến Tông trong lòng lo lắng, nhưng không còn cách nào khác. Lúc đó, Bùi Độ dũng cảm bước lên, xin được đích thân đốc chiến. Hoàng đế cảm kích mà hỏi: "Khanh thực sự nguyện vì trẫm mà liều mình dấn thân vào nguy hiểm ư?" Bùi Độ cảm động rơi lệ, dập đầu mà đáp: "Thần thề không đội trời chung với giặc!"
Khi dấy binh, Bùi Độ nói với vua Hiến Tông rằng: "Chủ lo thần nhục, vì nghĩa liều thân, nếu chưa lấy được đầu giặc, thần chẳng quay về!" Nhà vua cảm động đến rơi nước mắt, đích thân đưa tiễn Bùi Độ, đến cửa Thông Hóa Môn, vào lúc chia tay, nhà vua tháo chiếc đai "thông thiên tê" ở thắt lưng tặng cho Bùi Độ, để thể hiện ý khích lệ.Chiếc đai "thông thiên tê" của vua Hiến Tông được làm bằng sừng tê giác và ngọc quý, không chỉ rất quý báu vô cùng, mà còn có ý nghĩa rất lớn. Chiếc đai ấy đã cùng Bùi Độ tung hoành ngang dọc, tiêu diệt được quân phản loạn Ngô Nguyên Tế, đi cùng Bùi Độ trong suốt con đường chinh chiến lập công.
Bùi Độ về glà lâm trọng bệnh, lại nhớ đến chiếc đai "thông thiên tê". Hoàng đế Hiến Tông, người ban tặng chiếc đai cho ông, sớm đã băng hà, vị vua hiện tại là hoàng đế Văn Tông, Bùi Độ quyết định mang chiếc đai vua ban trả lại cho hoàng đế Văn Tông, ông nằm trên giường bệnh, lệnh cho tùy tùng viết bản tấu. Do tùy tùng không tìm được câu từ thích hợp, khiến Bùi Độ không hài lòng, bèn sai con cháu ghi lại lời nói của mình: "Bảo vật trong cung này là do tiên đế ban tặng cho thần, thần giờ đây đã gần đất xa trời, vừa không dám mang chôn theo xuống đất, lại không thể để vật đó trong nhà, vì e sẽ lưu lạc trong dân gian, nên thần gói lại, xin trả về hoàng thượng". Lời nói vừa dứt chưa được bao lâu thì ông qua đời.
Bản tấu này của Bùi Độ lời lẽ khéo léo hợp tình, khiến người đời càng thêm kính phục nhân cách của ông.